ĂN GÌ KHI ĐẾN MIỀN TÂY ?

ĂN GÌ KHI ĐẾN MIỀN TÂY ?

         Những món ăn vùng sông nước tuy dân dã, giản dị nhưng lại rất được lòng du khách. Có những cái tên chỉ cần nhắc tới, là người ta có thể nhớ ngay đến một tỉnh miền Tây. Vậy các bạn đã từng thưởng thức qua những món ăn này chưa? Hãy cùng Trang Thị travel & media gọi tên ngay 13 món ăn của các tỉnh miền Tây nhé.

1-Hủ Tiếu Mỹ Tho – Tiền Giang: Cũng giống như các nơi khác, một tô gồm nhiều thành phần như sợi hủ tiếu nhỏ dai, thịt lợn, lòng heo, hải sản,… dùng với nước lèo ngon ngọt, đậm đà ninh từ xương, tôm khô, củ cải,… ăn kèm với chút rau sống, giá đỗ. Nhưng hủ tiếu Mỹ Tho đặc biệt hơn ở chỗ, nó được làm bằng gạo Gò Cát – giống lúa đặc sản chỉ riêng vùng đất xã Mỹ Phong, ngoại thành thành phố mới có.

2-Thịt Lợn Muối Chua – Long An: Món này nổi tiếng với những miếng thịt ngọt thơm, dai ngon do được lấy từ lợn thả rông chứ không phải chăn nuôi công nghiệp. Người ta thái mỏng thành các miếng vừa ăn rồi trộn đều cùng thính gạo rang thơm, riềng khô, rượu nếp cái, men lá rừng, rồi ủ theo một phương pháp đặc biệt.

3-Nem Lai Vung – Đồng Tháp: Được làm từ thịt và bì heo, cùng các gia vị dễ tìm như hạt tiêu, tỏi ớt, thính gạo rang,… Trộn đều các nguyên liệu ấy rồi gói lại vuông vắn bằng lá chùm ruột, lá vông non, lá chuối. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng mỗi người ở đây lại có bí quyết riêng để tạo nên hương vị độc đáo, khác biệt cho món nem của mình.

4-Cá Tai Tượng Chiên Xù – Vĩnh Long: Món ăn này có lớp vỏ giòn giòn dù cho đã nguội, phần thịt mềm ngọt. Con cá dẹt to bản, sau khi chiên vàng ruộm, được bày ra bàn ăn cùng bánh tráng, bún tươi, rau sống, nước mắm chua cay, nhìn thôi đã thấy thèm! Cuộn các nguyên liệu ấy với nhau rồi thưởng thức, cảm nhận được hương vị thơm ngon hòa quyện trong khoang miệng, đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó có thể quên!

5-Củ Hủ Dừa – Bến Tre: Muốn chế biến chúng, người ta phải phải chặt cả một cây, lấy phần non trắng bên trong thân. Củ hũ dừa giòn ngọt, ăn vào mát, và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Chúng được ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món hấp dẫn như xào lòng gà, chiên bánh xèo, bóp xổi, nấu tôm thịt,… Tưởng chừng rất dân dã nhưng lại đem lại một trải nghiệm ẩm thực vô cùng độc đáo đấy nhé!

6-Bún Nước Lèo – Trà Vinh: Món ăn này có sự kết hợp đầy “ăn ý” của nước lèo ngọt tự nhiên từ tôm cá, mắm bò hóc đậm đà, thịt heo quay vừa mềm vừa thơm. Tất nhiên, bát bún ăn kèm với các loại rau thơm và nước mắm chua cay mặn ngọt mới thực sự trọn vẹn. Món ăn tuy đơn giản, dân dã là thế nhưng lại khiến các thực khách ăn một lần là muốn ăn thêm nữa. 

7-Lẩu Mắm Châu Đốc – An Giang: Để làm một nồi lẩu, người ta sẽ ninh mắm cá sặc hay cá chốt cho thật nhừ, rồi dùng sả để khử bớt mùi tanh. Tiếp đó là bỏ vào thịt ba rọi, cá basa, cá kèo, cá lóc,… cùng các loại rau củ như cà tím, bông điên điển,… Các thức ăn sau thời gian ninh nóng sẽ thấm đều vị mặn và mùi đặc trưng của nước mắm, hương vị độc đáo khó quên.

8-Bánh Hỏi Heo Quay – Cần Thơ: Tuy không phải là thức quà độc nhất, nhưng bánh hỏi ở huyện Phong Điền, Cần Thơ từ lâu đã rất nổi tiếng. Chúng được làm từ bột gạo, dùng khuôn tạo thành những cuốn lưới nhỏ nhìn rất đẹp mắt. Bánh hỏi thường được phủ một lớp dầu lạc hoặc dầu dừa, ăn kèm với thịt heo quay mềm thơm, rau sống tươi ngon, chấm nước tương chua cay ngọt rất thú vị. Nhìn chúng đơn giản thế thôi nhưng lại có sức hấp dẫn lạ kỳ đấy!

9-Cháo Lòng Cái Tắc – Hậu Giang: Cháo cái tắc nấu cùng tim, gan, phổi, cật,… và được nêm nếm gia vị rất vừa miệng, nấu xong nóng hổi, thơm lừng. Người ta dùng cùng rau đắng biển, bắp chuối, giá sống,… tạo nên vị chan chát xen lẫn cùng cái ngon ngọt của lòng heo, ăn vào rất thú vị. Nếu có dịp tới Hậu Giang, đừng quyên thử món cháo lòng Cái Tắc bạn nhé!

10-Bún Gỏi Dà – Sóc Trăng: Đây là một món ăn được người dân phát triển từ gỏi cuốn, nên trong một tô cũng có các thành phần như bún tươi, giá đỗ, thịt ba rọi, tôm,  tương xay,… và không thể thiếu nước dùng ninh từ xương heo được chế thêm nước me và tương hạt thơm. Món ăn có vị ngon ngọt, chua thanh hòa quyện rất đặc trưng mà không phải nơi đâu cũng có thể tìm thấy được. Chỉ cần nhìn tô bún đầy ắp thôi đã thấy kích thích vị giác rồi!

11-Gỏi Cá Trích Phú Quốc – Kiên Giang: Nguyên liệu ăn kèm gồm có hành tây thái mỏng, cà rốt thái sợi, dừa nạo, thêm tỏi băm phi vàng và ngò rí… Tất cả trộn đều với cá trích cùng nước sốt chua. Điểm đặc biệt của gỏi cá trích là phần nước sốt không làm từ nước cốt chanh mà được trộn dấm nuôi bằng trái ổi chín, nêm thêm ít muối và đường để món ăn mang hương vị chua thanh và có mùi thơm dịu. Món gỏi cá trích ngon không thể thiếu chén nước chấm pha từ ớt tỏi băm, đậu phộng rang vàng bóc vỏ tán nhuyễn, pha với nước mắm Phú Quốc ngon.

12-Bánh Tằm Bì – Bạc Liêu: Bánh tằm bì có ở nhiều tỉnh miền Tây nhưng Bạc Liêu được đánh giá là ngon nhất và nâng lên hàng đặc sản. Bên cạnh bì heo, rau cải, xà lách, húng, giá đỗ, dưa leo,… và chén nước chấm chua cay mặn ngọt, người Bạc Liêu còn cho thêm vài viên xí muội để tăng hương vị. Món bánh có vị bùi bùi của bị, beo béo của nước cốt dừa, thanh mắt của các loại rau ăn kèm khiến thực khách ăn một lần là ấn tượng mãi.

13-Cá Thòi Lòi – Cà Mau: Đây là một loại hải sản đặc biệt mà mẹ thiên nhiên đã dành tặng cho vùng cực Nam của Tổ quốc. Mặc dù có vẻ ngoài xấu xí nhưng thịt cá thòi lòi còn ngọt hơn cả cá lóc, cá chép,… Để giữ lại hết được những tinh túy trong thịt cá, người dân Cà Mau thường áp dụng phương pháp nướng mọi hoặc nướng muối ớt. Ngoài ra, nếu có cơ hội bạn cũng nên thưởng thức thêm các món ăn được chế biến từ cá thòi lòi như: thòi lòi kho tiêu, lẩu cá thòi lòi,…
——————————————————
🏢Trang Thị Travel & Media
☎Hotline: 09 1800 3380 – 028 6680 1080

LEAVE A COMMENT

Your email address will not be published. Required fields are marked *